Là một trong 12 huyện đảo của Việt Nam, đảo Cô Tô có vị trí vô cùng đặc biệt – hòn đảo tiền tiêu, vùng “phên giậu” thiêng liêng của Tổ quốc. Qua hơn một phần tư thế kỉ, từ một quần đảo hoang sơ, dân cư thưa thớt, ngày nay, Cô Tô đã được biết tới là một địa điểm du lịch nổi tiếng, được du khách yêu thích của vùng Đông Bắc.
Nhìn lại những ngày đầu
Ngày 23 tháng 3 năm 1994, Chính phủ đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn đồng thời tách quần đảo Cô Tô (gồm hai xã Thanh Lân, Cô Tô) thành lập huyện Cô Tô. Tuy nhiên, mãi tới năm 2008, cái tên Cô Tô mới được “xướng danh” trên bản đồ du lịch. Khi đó, tới Cô Tô, du khách chỉ có một lựa chọn lưu trú là nhà khách Uỷ ban Nhân dân huyện. Mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu gỗ ra đảo vào lúc 7h sáng, lênh đênh suốt 4 tiếng trên biển và chở cả người lẫn hàng hoá ra đảo. Điện trên đảo cũng chỉ có vài tiếng mỗi ngày.
Thế nhưng, bất chấp những “tiện nghi” sơ sài như vậy, du khách vẫn đến với Cô Tô ngày một đông hơn bởi những trải nghiệm tuyệt vời mà không nơi nào có được. Hòn đảo này mời gọi, quyến rũ du khách bởi dáng vẻ hoang sơ của những bờ biển Hồng Vàn, Vàn Chảy, Nam Hải…; bởi rừng chõi nguyên sinh um tùm xanh ngắt; bởi những sản vật dồi dào lành ngọt như cam Thanh Lân, như mực Cô Tô… và bởi cả tấm lòng đôn hậu, mến khách của người dân huyện đảo.
Cuối năm 2013, điện lưới quốc gia được kéo ra đảo, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, cả huyện đảo như chuyển mình, bừng thức. Nhiều ngư dân, nông dân trên đảo đã rời công việc vốn phụ thuộc nhiều vào nắng mưa, thời tiết để trở thành người làm du lịch với thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh chóng, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Huyện với nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời và năng động; thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng cơ sở phục vụ ngành dịch vụ.
Khi tiềm năng được đánh thức
Nằm trong quần thể du lịch trọng điểm Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái – Trà Cổ, Cô Tô được định hướng trở thành Khu du lịch sinh thái biển cao cấp của quốc gia. Để cạnh tranh với các địa phương có bề dày khai thác du lịch, nhiều năm qua, Cô Tô đã ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng du lịch qua việc triển khai nhiều công trình quan trọng như: xây dựng cầu cảng, hệ thống cấp nước, tu bổ và mở rộng mạng lưới giao thông, nâng cấp bệnh viện, trường học…
Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, khối tư nhân cũng có những đóng góp lớn vào sự thay đổi tích cực của hòn đảo tiền tiêu. Đến Cô Tô ngày nay, du khách sẽ không khỏi bất ngờ bởi sự phát triển nhanh chóng của huyện đảo với hệ thống nhà hàng, khách sạn khang trang, hiện đại. Đặc biệt, bên cạnh các khách sạn, nhà nghỉ chuyên nghiệp, Cô Tô còn được biết tới với “làng homestay” Hồng Hải – nơi người dân làm du lịch bằng sự hồn hậu, hào sảng với những dấu ấn riêng đậm đà văn hoá bản địa.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách đến với Cô Tô, tần suất các chuyến tàu ra đảo đã được tăng lên, chất lượng dịch vụ cũng không ngừng được nâng cao, thời gian di chuyển từ cảng Cái Rồng (Vân Đồn) ra đảo Cô Tô được rút ngắn chỉ còn 1h10’. Tháng 5/2020, hai con tàu cao tốc hai thân “tiêu chuẩn 5 sao”, có thể hoạt động trong điều kiện gió cấp 6 là Tuan Chau Express đã cập cảng tàu khách Cô Tô, giúp kéo gần hơn khoảng cách giữa đất liền với đảo ngọc, hạn chế được sự ảnh hưởng của thời tiết, hạn chế say sóng cho du khách và góp phần kéo dài mùa du lịch ở Cô Tô – vốn đang khá ngắn với chỉ vài tháng mùa hè trong năm.
Trên cơ sở nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng cùng nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, di tích lịch sử văn hoá có giá trị và những làng nghề giàu truyền thống, Cô Tô đã và đang xây dựng, phát triển các loại hình du lịch đặc trưng có tính cạnh tranh cao như: du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện…), du lịch sinh thái, du lịch khám phá trải nghiệm, du lịch cộng đồng “homestay” và cả những loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn du khách cả trong nước và quốc tế như: tour dọn rác bãi biển, tour câu mực, đánh cá cùng ngư dân…
Nếu như năm 2010, Cô Tô chỉ đón 3.000 lượt khách thì tới năm 2021, Cô Tô đã đón trên 50.000 du khách đến tham quan, du lịch. Con số này thực chất chưa phản ánh hết sức hấp dẫn của du lịch Cô Tô do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19; tuy nhiên đây vẫn là một điểm sáng đáng khích lệ trong tình hình “đóng băng” của nhiều địa điểm du lịch trong cả nước; mở ra kì vọng về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới, khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát.
Với những giải pháp kịp thời, đúng hướng, hiệu quả, từ một huyện đảo nghèo, đến nay, Cô Tô đã trở thành địa phương năng động, có mức thu nhập bình quân đầu người thuộc top đầu của tỉnh; tỉ trọng dịch vụ chiếm ưu thế trong cơ cấu kinh tế; đời sống người dân ngày càng được cải thiện; quốc phòng an ninh được giữ vững.